6 nguyên nhân thường gặp khiến nhà tuyển dụng từ chối bạn
Hồ sơ của bạn hoàn toàn phù hợp với mô tả công việc, bạn cũng nhận được phản hồi tích cực từ nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn, thế nhưng sau thời gian chờ đợi bạn nhận được lời mời hợp tác “lần sau”. Kết quả này có thể gây bất ngờ nhưng có rất nhiều lý do nằm ngoài kiểm soát của bạn. Cùng Tìm Việc Nhanh tìm hiểu những lý do nào khiến nhà tuyển dụng lại “lắc đầu” với bạn nhé.
1. Bạn không đủ điều kiện
Có lẽ đây là lý do đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến. Các nhà tuyển dụng nói rằng hơn một nửa số người xin việc không đủ điều kiện và đôi khi còn hơn thế nữa. Vì thế khi nộp đơn vào vị trí yêu cầu 3 năm kinh nghiệm trong khi bạn chỉ là sinh viên mới ra trường thì hiển nhiên nhà tuyển dụng không thể cho bạn một “dấu tích xanh” như mong muốn. Bên cạnh đó, những vị trí yêu cầu có chứng chỉ bằng cấp bắt buộc như TOEIC, tin học văn phòng,… cũng là nguyên nhân khiến bạn không được nhận khi không sở hữu chúng.
2. Vị trí đã được lấp đầy trong nội bộ
Giữa ứng viên xa lạ bên ngoài và ứng viên nội bộ thì hiển nhiên nhà tuyển dụng sẽ chọn người cùng làm việc và đã hiểu rõ về công ty. Bên cạnh đó, tuyển dụng ứng viên nội bộ còn mang lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp như chi phí thấp, thời gian tuyển dụng nhanh, ít rủi ro và đánh giá được năng lực của nhân viên. Nếu “thất bại” trước một ứng viên nội bộ thì cũng không phải là điều gì quá to tát vì dù sao “gà nhà” vẫn được ưu tiên hơn đúng không nào. Dĩ nhiên, bạn chẳng thể biết được điều này trừ khi bạn có những mối quan hệ khác trong tổ chức đấy.
3. Bạn không phù hợp với văn hóa công ty
Ngay cả khi hồ sơ của bạn hoàn toàn phù hợp với trình độ chuyên môn và thư xin việc cũng rất xuất sắc thì không có gì đảm bảo bạn sẽ được nhận. Có thể bạn giỏi nhưng còn nhiều ứng viên khác hoàn hảo hơn. Bên cạnh đó, văn hóa công ty cũng là một rào cản rất lớn nếu như bạn không thể hòa hợp được. Thực tế một con người năng động, yêu thích sự làm việc tự do thì rất khó để gia nhập vào tổ chức có tính chất chuyên nghiệp, làm việc nghiêm túc với nhiều quy định rắc rối.
4. Bạn đã tạo ấn tượng không tốt cho nhà tuyển dụng
Khi nhân sự đang xem xét một nhóm ứng viên tài năng, thậm chí một sai lầm có thể là lý do đủ để bạn phải “trả giá” cho con đường nghề nghiệp của mình. Cho dù bạn có tài năng đến đâu vẫn nên lịch sự, chuyên nghiệp và tử tế với người đối diện.
5. Bạn “vượt” điều kiện của nhà tuyển dụng
Nếu người quản lý tuyển dụng đang tìm kiếm ai đó làm một công việc cụ thể mà bạn có vẻ “dư sức” để làm thì họ có thể lấy người nộp đơn kém chất lượng hơn vì lý do ngân sách hoặc vì vai trò đó kém hơn trình độ của bạn. Hy vọng, bạn sẽ nhanh chóng được khen thưởng cho các kỹ năng của mình ở môi trường khác.
6. Công ty đang trải qua một cuộc tái cấu trúc
Việc tuyển dụng có thể bị trì hoãn trong quá trình tái cấu trúc lớn, trong đó nhân sự sẽ đánh giá lại các ưu tiên của họ cho loại vị trí công việc nào họ cần. Nếu bạn vẫn thực sự hào hứng với công ty, thì hãy cho HR biết rằng bạn có thể quan tâm đến bất kỳ vị trí nào trong tương lai có thể xảy ra, biết đâu trong đợt tuyển dụng tiếp theo bạn sẽ là cái tên đầu tiên được công ty nhắc đến thì sao.
Dù lý do là gì đi nữa, việc không đạt được một công việc mơ ước không thể là lí do ngăn cản quá trình tìm việc của bạn. Xem lại sơ yếu lý lịch, tìm hiểu kỹ về vị trí công việc và giữ tinh thần ổn định như giai đoạn đầu là cách tốt nhất giúp bạn vượt qua “cú sốc” đau đớn này. Tìm được việc làm mơ ước là không dễ dàng vì thế đừng bỏ cuộc cho đến khi bạn thực hiện được điều này nhé.